Mô hình kinh tế của CCB Lò Văn Tắn có tổng diện tích mặt ao hơn 6.000m2, với 10 ao nuôi các loại cá khác nhau, trung bình mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Để thực hiện tốt việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế ở địa phương, Hội CCB xã Lay Nưa đã thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền, vận động tới đông đảo hội viên, đồng thời Hội chú trọng tập huấn, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho hội viên; giúp họ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào lao động sản xuất. Nhờ vậy nhiều mô hình kinh tế được xây dựng, là điển hình giúp các hộ khác học hỏi, noi theo.
CCB xã Lay Nưa tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn.
Ông Khoàng Văn Anh, Chủ tịch Hội CCB xã Lay Nưa cho biết: Hội CCB xã luôn sát cánh cùng hội viên trong phát triển kinh tế. Hội thường xuyên vận động, tạo điều kiện để cán bộ, hội viên thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên phát triển kinh tế, ngoài giúp hội viên thay đổi cách nghĩ, có cách làm sáng tạo hơn, Hội CCB xã còn tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện tại, Hội CCB xã Lay Nưa nhận ủy thác 5 tổ tiết kiệm, vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Mường Lay, với 195 hộ vay, tổng số tiền trên 15 tỷ đồng.
Tận dụng nguồn nước tích trữ, ông Lò Văn Tắn phát triển thêm chăn nuôi lợn, gà, trồng rau phục vụ gia đình và xuất bán.
Chúng tôi đến thăm mô hình VAC của gia đình ông Lò Văn Tắn, CCB bản Ho Cang, xã Lay Nưa. Dẫn chúng tôi tham quan vườn rau, chuồng trại cùng 10 ao cá, ông chia sẻ: Sau khi xuất ngũ trở về địa phương tôi tích cực học hỏi, tận dụng thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế. Khu vực sản xuất của gia đình nằm gần lòng hồ, rất thuận lợi ở nguồn nước, vì vậy tôi phát triển ao cá. Hiện gia đình tôi có tổng diện tích mặt ao là hơn 6.000m2, với 10 ao nuôi các loại cá khác nhau, cả cá thịt và cá giống... Trung bình một năm, tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng từ bán cá. Ngoài ra, mặt ao cũng là nguồn trữ nước trong mùa khô, diện tích đất trên bờ được gia đình cải tạo, trồng rau phục vụ nhu cầu gia đình và mang ra chợ bán. Gia đình kết hợp thêm chăn nuôi lợn gà, một năm xuất 3 lứa, mỗi lứa trung bình thu nhập 50 triệu đồng. Mô hình VAC của gia đình mỗi năm đem lại nguồn thu trên 400 triệu đồng đã trừ chi phí.
CCB Lò Văn Tắn, xã Lay Nưa giới thiệu mô hình ấp cá giống của gia đình.
Cùng bản Ho Cang, CCB Lò Văn Viện đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư nhập hàng, buôn bán tạp hóa. Nhờ tận dụng tốt nguồn vốn vay ban đầu, cùng việc lựa chọn các mặt hàng thiết yếu với người dân; đến thời điểm hiện tại quán tạp hóa của gia đình ông Viện rất đông khách, mỗi năm thu nhập trên 400 triệu đồng.
Có thể thấy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên trong phong trào thi đua lao động sản xuất với sự hỗ trợ từ các nguồn tiết kiệm, vay vốn phát triển kinh tế tại địa phương. Những mô hình phát triển kinh tế của CCB khẳng định vị thế, vai trò CCB, góp phần thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo, phát huy phẩm chất người lính cụ Hồ trong thời kỳ mới.