Lớp đào tạo nghề kỹ thuật nuôi ếch vừa được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Mường Lay phối hợp tổ chức tại bản Ho Cang xã Lay Nưa với 35 học viên. Trong thời gian 3 tháng, thông qua lớp học này, các nông dân sẽ nắm bắt kỹ thuật nuôi ếch thịt, ếch sinh sản và chế độ dinh dưỡng, thức ăn cho ếch, quy trình phòng và điều trị một số bệnh trên ếch. Vừa học lý thuyết, vừa được thực hành trên chính mô hình tại ao nuôi, vì vậy người dân rất phấn khởi và hy vọng kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm là một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật mới, không gây ô nhiễm môi trường, có thể nhân rộng trên địa bàn. Qua đó đẩy mạnh sản xuất thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường và góp phần tăng thu nhập. Ông Lò Văn Trường, Trưởng bản Ho Cang, xã Lay Nưa chia sẻ: "Lớp học được tổ chức tại bản rất thuận lợi cho người dân, đặc biệt với lớp nuôi ếch này chúng tôi được hỗ trợ con giống, thức ăn, vừa học lý thuyết, vừa thực hành trên ao nuôi tại hộ gia đình nên chúng tôi rất phấn khởi".
Cũng như nhiều lao động khác trên địa bàn, năm 2020 chị Sừng Sì Già ở bản Lé, xã Lay Nưa được tham gia lớp học nghề kỹ thuật chăn nuôi lợn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã tổ chức tại địa phương. Mặc dù thời gian học tập chỉ 3 tháng, nhưng vốn thích chăn nuôi và ham học hỏi, chị Già đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật, kỹ năng cơ bản trong chăn nuôi. Sau thời gian học nghề, chị đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại kết hợp chăn nuôi lợn và gia cầm. Nhờ chăn nuôi kinh tế của gia đình chị Già dần ổn định, có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn. Theo chị Già được Nhà nước hỗ trợ học nghề chính là người dân đã được trao "cần câu cơm”, giúp cho những người nghèo có nghề để kiếm sống lâu dài, thu nhập ổn định, dần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Trần Thuỷ Chung, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Mường Lay cho biết: Để các lao động nông thôn học nghề, tiếp thu khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, hằng năm, Trung tâm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội thị xã, UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác đào tạo nghề, lao động, việc làm cho lao động nông thôn. Cùng với đó, phối hợp khảo sát nhu cầu học nghề, làm căn cứ xây dựng kế hoạch mở lớp dạy nghề phù hợp với từng địa phương. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân khi tham gia học nghề, Trung tâm mở lớp học ngay tại các bản để bà con vừa học vừa lao động sản xuất; vừa tiếp thu lý thuyết, vừa được hướng dẫn thực hành. Do vậy, việc tiếp thu kiến thức và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nhiều học viên sau khi theo học đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho mình và nhiều lao động khác.
Theo thống kê, trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023, thị xã Mường Lay đã mở 15 lớp đào dạy nghề cho gần 480 lao động là nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp cho hàng trăm lao động, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số, người nghèo được chuyển giao kỹ thuật, kỹ năng nghề. Thông qua công tác đào tạo nghề, người lao động biết cách tiết kiệm chi phí sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tăng hiệu quả lao động, nâng cao thu nhập. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt từ 80 đến 85%, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, bền vững, bình quân trên 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Với những nỗ lực cố gắng trong công tác đào tạo nghề, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Mường Lay đã từng bước khẳng định là địa chỉ tin cậy trong dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh trên địa bàn. Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn thị xã mỗi năm giảm từ 4 - 5%, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh và bền vững hơn./.