Chào mừng quý bạn đọc đến với Chuyên trang Giảm nghèo, thị xã Mường Lay
  • Mường Lay: Tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Dại
  • Thời gian đăng: 03/04/2025 08:01:41 AM
  • Từ đầu năm 2025 đến ngày 17-3-2025 tỉnh Điện Biên phát hiện, xét nghiệm 02 con chó dương tính với vi rút Dại, 337 trường hợp người bị chó, mèo cào, cắn đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Nguy cơ dịch bệnh Dại tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao do thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát.
  • Để chủ động phòng, chống bệnh Dại động vật, nhằm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của cộng đồng trên địa bàn thị xã Mường Lay. Ngày 01-4-2025, UBND thị xã ban hành Công văn số 670/UBND-NN&MT về tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh Dại.

    Theo đó, UBND thị xã yêu cầu các cơ quan, đơn vị; UBND các xã, phường căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:

    (1) Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã tham mưu cho UBND thị xã các văn bản chỉ đạo về phòng, chống bệnh Dại ở động vật trên địa bàn thị xã; Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, công tác quản lý chó, mèo và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo phải chấp hành nghiêm việc tiêm phòng vắc xin phòng dại cho chó, mèo nuôi đầy đủ, định kỳ; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, xã, phường tham mưu cho UBND thị xã Thành lập Đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng chống bệnh Dại trên địa bàn thị xã.

    (2) Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã: Phối hợp với UBND các xã, phường tăng cường theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dại ở động vật nhằm phát hiện, điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm, gửi xét nghiệm; đồng thời chia sẻ thông tin với Trung tâm y tế và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch khi có phát sinh các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Dại; hướng dẫn, tuyên truyền UBND các xã, phường xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại; cập nhật, tổng hợp số liệu về đàn chó, mèo nuôi, số lượng vắc xin dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn thị xã lên hệ thống báo cáo thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).

    (3) Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã: Chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền học đường về phòng, chống bệnh Dại; hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo cho cha, mẹ hoặc người thân ngay sau khi bị chó, mèo cắn.

    (4) Trung tâm Y tế thị xã: Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại ở người, tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở người, cách sơ cứu khi bị chó, mèo nghi dại cắn, tác dụng của việc tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, không chữa bệnh Dại bằng thuốc đông y hoặc các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận…; chỉ đạo các trạm Y tế tiêm chủng dự trù đầy đủ vắc xin và huyết thanh kháng Dại để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn thị xã. Tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh Dại kịp thời cho người bị động vật nghi dại cắn. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng Dại cho người. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người nghi bị bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

    (5) UBND các xã, phường: Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; các biện pháp phòng, chống bệnh Dại đến từng hộ gia đình có nuôi chó, mèo. Nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo với cộng đồng; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh Dại để kịp thời xử lý; tuyên truyền hướng dẫn người bị chó, mèo cắn, sơ cứu đúng cách và đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời.

    Rà soát, thống kê tổng đàn và khẩn trương phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn; hàng tháng rà soát, tiêm phòng bổ sung chó, mèo mới phát sinh, đến tuổi tiêm phòng.

    Tổ chức quản lý đàn chó, mèo đảm bảo 100% số bản, tổ dân phố có sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ danh sách hộ nuôi chó và kết quả công tác tiêm phòng vắc xin Dại; rà soát, thống kê, cập nhật số liệu về đàn chó nuôi trước đợt tiêm phòng; hướng dẫn chủ nuôi chó thông báo, đăng ký việc nuôi chó, thực hiện cam kết nuôi nhốt hoặc xích hoặc giữ chó trong khuôn viên của gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu đến người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt.

    Tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dại trên địa bàn, nhất là khu vực ổ dịch, ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh nhằm phát hiện các ca chó, mèo nghi mắc bệnh Dại phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã để lấy mẫu gửi xét nghiệm, kịp thời cảnh báo và xử lý ổ dịch; phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức điều tra, xử lý ổ dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

    Thành lập Đội bắt chó thả rông, chó không đeo rọ mõm, chó, mèo nghi mắc bệnh Dại; tăng cường xử lý nghiêm các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm hành chính theo quy định đối với trường hợp chủ vật nuôi không chấp hành đăng ký, quản lý chó nuôi; không nuôi xích nhốt chó, chó ra ngoài không đeo rọ mõm; không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó nuôi theo quy định./.

  • Tác giả: NT