Trên các trang mạng facebook, zalo, dễ dàng bắt gặp những dòng quảng cáo tuyển dụng xuất khẩu lao động với những thông tin hấp dẫn như: xuất cảnh nhanh, việc làm ổn định, lương cao, chi phí thấp, không đòi hỏi trình độ tay nghề, ngoại ngữ… Trong khi đó, người lao động thiếu kiến thức, thiếu thông tin liên quan đến các quy định về xuất khẩu lao động nên dễ bị các đối tượng cò mồi dụ dỗ, đã tìm đến các đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp và tự biến mình trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo. Khi nạn nhân sập bẫy thì bị ép vào trong các đặc khu kinh tế để bán dâm hoặc phải tham gia thực hiện lừa đảo trên không gian mạng. Nếu làm không hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu thì bị các đối tượng đánh đập, hành hạ, khi nạn nhân không chịu đựng được đòi về thì các đối tượng bắt phải nộp tiền chuộc từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Để chủ động phòng ngừa, nâng cao cảnh giác đối với các thủ đoạn lừa đảo trên, người lao động cần lưu ý:
Để tránh bị lừa đảo, người lao động muốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài cần hết sức tỉnh táo, nâng cao cảnh giác trước những lời mời chào về cơ hội “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội và những phần tử xấu. Khi có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ lưỡng mọi thông tin và lựa chọn đơn vị tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động uy tín, do các cơ quan nhà nước giới thiệu.
Người dân cần đề cao cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng mời gọi, tuyển lao động với mức thu nhập cao trên các trang mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của các đối tượng; tìm hiểu kỹ về công việc, điều kiện làm việc, hợp đồng lao động trước khi quyết định xuất cảnh để tránh rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây môi giới, tổ chức đưa người ra nước ngoài làm việc nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình biết để phòng tránh và trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý./.